Lịch sử quảng cáo dược phẩm bắt đầu từ 1868
Lịch sử quảng cáo thuốc có thể xem bắt đầu từ 1868, là năm được cho là sử dụng mass marketing trong quảng cáo dược phẩm bởi Benjamin Brandreth.
Đến 1906, Quốc Hội Mỹ đã ban hành luật "Pure Food and Drug Act" để ngăn chặn việc quảng cáo thực phẩm và thuốc với hiệu quả chưa được kiểm chứng hay "dán nhãn sai". Đạo luật này cũng yêu cầu phải ghi tên hoạt chất của thuốc lên nhãn và độ tinh khiết của hoạt chất phải đảm bảo theo quy định Dược điển Hoa kỳ. Cơ sở đạo luật trên giúp hình thành nên cơ quan quản lý thực phẩm dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Tua nhanh đến 1962, FDA bắt đầu kiểm soát việc các nhà sản xuất phải cung cấp bằng chứng về hiệu quả trước khi được phê duyệt (sửa đổi luật dược, thực phẩm, mỹ phẩm Hoa Kỳ bởi Kefauver–Harris Amendment hay "Drug Efficacy Amendment"). Sự sửa đổi này là phản hồi về bi kịch liên quan "Thalidomide" gây tác dụng phụ thuốc nghiêm trọng trên hàng ngàn trẻ em do mẹ những đứa trẻ sử dụng thalidomide trong giai đoạn mang thai.
Sang thập niên 1980, quảng cáo trực tiếp tới người dùng trở lại cuộc chơi và được dẫn dắt bới các big pharma kết hợp với tình hình chính trị và sự quan tâm của công chúng đối với bệnh nhân cần được tham gia vào quyết định điều trị. Chỉ có 3 loại quảng cáo DTD (direct to consumer) được cho phép (theo C. Lee)
Thập niên 90 là thời điểm bùng nổ với nhiều thuốc mới được quảng cáo như Claritin, Viagra trên phương tiện truyền thông đại chúng. Sang 2 thập niên đầu thế kỷ 21 (2000-2022), các công ty dược chuyển dịch quảng cáo của mình lên không gian mạng tuy nhiên các kênh truyền thống như tv, app, radio, báo giấy vẫn được tối ưu để tiếp cận người dùng.
Tham khảo: PharmaPhorum
Còn ở Việt Nam thì sao?
Cho tới hiện tại các quy định về quảng cáo thuốc vẫn được quy định chi tiết trong Nghị Định 54/2017/NĐ-CP tại Chương VII: HỒ SƠ, TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN XÁC NHẬN NỘI DUNG THÔNG TIN, QUẢNG CÁO THUỐC. Trong đó Mục 1 nói về nội dung thông tin thuốc và Mục 2 nói về Quảng cáo thuốc. Riêng điều 126 lại viết rất rõ về những điều KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÀM đối với quảng cáo thuốc
Điều 126. Các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáo thuốc
Các thông tin, hình ảnh quy định tại Luật quảng cáo.
Các nội dung gây hiểu nhầm về thành phần, tác dụng, chỉ định, xuất xứ của thuốc.
Các nội dung tạo ra cách hiểu: Thuốc này là số một; thuốc này là tốt hơn tất cả; sử dụng thuốc này là biện pháp tốt nhất; sử dụng thuốc này không cần ý kiến của thầy thuốc; thuốc này hoàn toàn vô hại; thuốc không có chống chỉ định; thuốc không có tác dụng không mong muốn; thuốc không có tác dụng có hại.
Các câu, từ, hình ảnh mang tính suy diễn quá mức dẫn đến hiểu nhầm là tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc hoặc vượt quá tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc đã được phê duyệt.
Ghi tác dụng của từng thành phần có trong thuốc để quảng cáo quá công dụng của thuốc hoặc gây nhầm lẫn tác dụng của mỗi thành phần với tác dụng của thuốc.
Các từ, cụm từ: “điều trị tận gốc”, “tiệt trừ”, “chuyên trị”, “hàng đầu”, “đầu bảng”, “đầu tay”, “lựa chọn”, “chất lượng cao”, “đảm bảo 100%”, “an toàn”, “dứt”, “cắt đứt”, “chặn đứng”, “giảm ngay”, “giảm liền”, “giảm tức thì”, “khỏi ngay”, “khỏi hẳn”, “yên tâm”, “không lo”, “khỏi lo”, “khuyên dùng”, “hotline”, “điện thoại tư vấn” và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự.
Các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc:
a) Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong;
b) Chỉ định điều trị bệnh lây qua đường tình dục;
c) Chỉ định điều trị chứng mất ngủ;
d) Chỉ định mang tính kích dục;
đ) Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;
e) Chỉ định điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy;
g) Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác;
h) Chỉ định điều trị bệnh viêm gan do vi rút, các bệnh nguy hiểm mới nổi.
Các kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng.
Kết quả nghiên cứu lâm sàng hoặc kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận.
Sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo thuốc.
Lợi dụng xuất xứ của thuốc, nguyên liệu làm thuốc để quảng cáo thuốc.
Hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế.
Hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Các câu, từ mang tính mách bảo, truyền miệng để khuyên dùng thuốc.
Sử dụng hình ảnh người bệnh để mô tả tình trạng bệnh lý hoặc công dụng của thuốc không phù hợp với tài liệu liên quan đến thuốc và các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận.